“Lướt sóng” đào tiền ảo và… nỗi đau chôn giấu
Hân hoan cũng im lặng, niềm đau thì chôn giấu
Khi sàn Bitconnect sụp đổ sau cảnh báo của chính quyền hai bang của nước Mỹ là Texas và North Carolina, người ta nhìn vào trang của dân chơi tiền ảo Bitconnect (BCC) tại Việt Nam với hơn 50.000 thành viên trên Facebook, đã đưa ra dự báo nguy cơ hơn 50.000 thành viên này có thể “trắng tay”.
Trên thực tế con số dân chơi Bitconnect là bao nhiêu, và dân chơi tiền ảo là bao nhiêu, khó mà thống kê được vì người chơi trên thế giới và ở Việt Nam đều thông qua các dịch vụ online, thậm chí được xem như một thế giới “tiền tệ ngầm” vì không được chính thức công nhận.
Ban đầu, người Việt chỉ biết nhiều hơn, bàn nhiều hơn về tiền ảo Bitcoin khi nó gắn với mã độc phong tỏa dữ liệu để tống tiền WannaCry lan tràn sang Việt Nam dạo đầu quí II/2017. Nhưng trên thực tế, trên website coinmarketcap.com, thống kê có đến gần 1.500 mã tiền ảo.
Phó Tổng giám đốc một Cty công nghệ tại TP.HCM cho biết, anh chơi Bitcoin đến nay đã bước vào năm thứ tư, có nghĩa là giá mỗi đồng khi đó chỉ khoảng vài chục hoặc vài trăm USD là cùng, chứ không phải lên đến gần 20.000USD như thời gian qua hay đang “lẹt đẹt” ở mức từ 10.000-11.000 trong những ngày qua. Cách đây vài tháng trong một cuộc trao đổi với chúng tôi, anh cho biết: “Sóng tiền ảo đang có xu hướng lên, vì nó mới ở giai đoạn sơ khai và ngày càng có nhiều người nhảy vào đầu tư”. Cũng theo anh, dân Việt thường chơi trong số 10 loại tiền ảo được giao dịch phổ biến nhất.
Cho dù vào tháng 9.2017, đồng Bitcoin đã có lúc rớt từ mức hơn 5.000USD/đồng xuống còn hơn 3.200USD/đồng vì chính phủ Trung Quốc tuyên bố cấm hình thức kêu gọi vốn đầu tư thông qua tiền ảo (ICO). Nhưng sau đó, giá Bitcoin tăng trở lại, cho đến khi nó tiếp tục vượt mốc 15.000 USD. Trong giai đoạn này, hầu như người nào nhảy vào thì xác suất thắng vẫn lớn hơn vì tiền ảo đang trào lưu tăng, như đồng Bitcoin chỉ trong vài tháng đã tăng đến mấy trăm phần trăm. Tuy nhiên, dân chơi tiền ảo dù thắng và hân hoan cũng thường im lặng khi luật pháp Việt Nam đã nói không với hoạt động giao dịch tiền ảo.
Anh Th. chơi Bitcoin từ lúc chỉ ngấp ghé mức 10.000 USD cho biết, anh kiếm được lai rai trong nhiều tháng nhưng vì vốn ít, đồng Bitcoin lại ngày một tăng giá, nên lãi về giá trị tuyệt đối cũng không nhiều. Cũng anh này, lại vẫn tiếp tục bám trong những tuần Bitcoin dao động giá mạnh, nên cũng bị lỗ một ít, nhưng tính chung vẫn lãi nhờ những khoản lời trước đây. Giờ thì anh Th. Chuyển sang “vặt cỏ”, là canh những đồng có giá trị thấp, nhưng có lượng giao dịch tương đối, xác suất 5/5 có thắng có thua, nhưng dù thắng hay thua thì cũng không lãi được quá nhiều.
Trong khi đó, với Ng., mới tập tành chơi tiền ảo gần đây, nhờ bạn bè hướng dẫn, rồi đổ vài chục triệu đồng vào tài khoản và qui đổi ra đồng USDT. Ng. cho biết, đây là đồng tiền ảo qui ước chung để mua tất cả các loại tiền ảo trên sàn. Giá đồng USDT hiện đã khoảng 28.000 đồng, lại mất thêm khoản phí 5% cho sàn, nghĩa là khi chơi mà hòa vốn, thì cũng coi như nắm lỗ trong tay. Song trên thực tế, loại dân chơi cò con mới nhảy vào thị trường tiền ảo khoảng một tháng trở lại đây như Ng. mà không “ôm đầu máu” lỗ nặng đã là may.
X. cũng chơi tiền ảo trong thời gian gần đây, chủ yếu là để biết, và cũng chẳng đủ tiền để chơi đồng Bitcoin. Bởi dân chơi Bitcoin với giá như bây giờ, phải là những người có lưng vốn kha khá, và đủ dày dạn kinh nghiệm và bản lĩnh, bởi một cú giảm nhẹ trên từng đồng Bitcoin cũng đã đến mức vài trăm USD rồi. Vì thế, X. chỉ thuộc loại dân chơi “vặt cỏ”, có thắng có thua, tính đến giờ thì mới chỉ phải “đóng học phí” nhẹ nhàng. “Ở thành phố còn đỡ, chứ ở tỉnh, dân chơi đồng BBC chết mới nhiều”, X. cho biết.
Câu chuyện thành phố với tỉnh chơi đồng BBC có sự khác biệt lớn nhất là kiến thức, kinh nghiệm và thông tin. Dù gì, ở các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM, có không ít người chơi tiền ảo từ cách đây mấy năm, đến giờ cũng thắng được không ít, và họ cũng có những thông tin thường xuyên được trao đổi, nắm bắt, học hỏi, vì thế trong quá trình chơi cũng rút ra được những quyết định giúp hạn chế thiệt hại, lỗ lãi, còn lại là “do số”, “do hên xui” thì chịu…
Nhưng ở tỉnh thành, như trường hợp chơi trên sàn Bitconnect, với việc đầu tư cho vay trên sàn mỗi tháng được trả từ 30-40% lãi, dân chơi nông thôn kháo nhau và cứ thế theo tâm lý bầy đàn, thậm chí cũng đã được hưởng lãi một hay nhiều lần, vì thế càng đổ xô. Chỉ đến khi sàn sập, sàn vỡ, sàn ngừng hoạt động, thì các hậu quả mới bắt đầu hiển hiện và thiệt hại lớn kéo đến. Đơn cử như đồng BBC, có lúc đạt ngưỡng gần 400 USD/đồng. Thế nhưng trong vụ “sập sàn” vừa qua, có lúc đồng tiền này chỉ còn hơn 9 USD, có nghĩa là mất giá hơn 97%. Trong vài ngày qua, đồng tiền này có lên giá chút đỉnh nhưng vẫn ì ạch và vì thế hậu quả nặng nề đối với dân đầu tư hay giao dịch trên sàn Bitconnect trước đây vẫn còn đó.
Không chỉ riêng những cảnh báo từ Mỹ, mà chính phủ Trung Quốc và Hàn Quốc, là những quốc gia tập trung nhiều nhà đầu tư và sàn giao dịch tiền ảo thuộc hàng lớn nhất thế giới, cũng đã cảnh báo sẽ có biện pháp mạnh “dẹp loạn” các sàn và hoạt động giao dịch tiền ảo, cũng khiến cho thị trường tiền ảo nói chung – trong đó có đồng tiền hùng mạnh nhất là Bitcoin – đang chìm trong những ngày u tối sụt giảm.
Lúc này thị trường tiền ảo đang rất khó đoán định và đầy bất trắc. Vụ việc “sập sàn” Bitconnect đã cho thấy nguy cơ mất trắng hoàn toàn có thể xảy ra khi thị trường tiền ảo không hề có một chỗ dựa bảo đảm về pháp lí hay kinh tế, càng không phải là một tổ chức hay định chế tài chính được công nhận. Người ta chơi vì thấy được lãi, vì có một niềm tin cá nhân về đầu tư sinh lợi, chứ không có một cam kết bảo đảm đầu tư hay giao dịch có tính ràng buộc, chế tài gì cả.
Thẳng thắn mà nói, hoạt động tiền ảo bị cấm nhưng với từng người chơi khi đã cố muốn lao vào, thì các cơ quan chức năng cũng khó lần ra manh mối, hoặc muốn làm cũng sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức. Vấn đề là mỗi người, phải tự cân nhắc và đánh giá, tránh các cuộc đỏ đen theo bầy đàn mà bỏ qua những nguy cơ, rủi ra trước mắt.
Theo cafeF.vn